This article is from ECHO Asia Note 43
[Ghi chú của biên tập: Tiến sĩ Bates là một người bạn và đối tác lâu năm của ECHO, và đã phục vụ mạng lưới lớn theo nhiều cách khác nhau qua nhiều năm, bao gồm hợp tác nghiên cứu, tư vấn, và các bài viết kỹ thuật. Nội dung của bài viết này là thành quả của Tiến sĩ Bates tham gia trong một dự ánh phát triển nông nghiệp của USAID ở Campuchia, được hỗ trợ bởi Phòng Thí Nghiệm Feed the Future Innovation Lab (Sáng Kiến Thức ĂnTương Lai) cho Nghiên Cứu Hợp Tác về Thâm Canh Bền Vững (Sustainable Intensification - SIIL).]
Những Thách Thức Của Việc Sản Xuất Cà Chua vào Mùa Mưa
Cà chua rất khó trồng trong mùa mưa nóng ẩm của Đông Nam Á. Sự kết hợp của đất ngập nước, áp lực mầm bệnh tăng cao và nhiệt độ cao thường làm chết cà chua non mới cấy hoặc làm giảm năng suất đáng kể. Là một loại cây trồng du nhập, có nguồn gốc từ Nam Mỹ, cà chua không thích nghi tốt với tất cả các loại đất và khí hậu Đông Nam Á, và có thể khó ra trái trong điều kiện ẩm ướt hơn của khu vực này.
Nhiều cà chua được tìm thấy trên thị trường và sử dụng bởi các nhà hàng và khách sạn trong mùa mưa được nhập khẩu hoặc được trồng trong nhà kính, được giá cao. Điều này mang đến một cơ hội độc nhất cho bất kỳ nông dân địa phương nào có khả năng sản xuất thành công để bán ra thị trường trong thời điểm ‘trái vụ’ này. Mặc dù cà chua được trồng trên luống cao hoặc trong mái che mưa đang trở nên phổ biến, ghép là một công cụ bổ sung mà người nông dân có thể sử dụng để sản xuất cà chua với tỷ suất lợi nhuận tốt hơn.
Thuật Ngữ & Định Nghĩa |
Tầng Phát Sinh Gỗ (Tầng Cambium) |
Vùng của thân nơi hình thành hệ thống mạch. Trong quá trình ghép, lớp này phải được lót giữa chồi ghép và gốc ghép sao cho hệ thống mạch có thể gắn lại với nhau. |
Điểm Ghép |
Điểm nối cành ghép và gốc ghép, nhờ đó tạo ra mạch nối. |
Gốc Ghép |
Phần dưới hoặc phần ngầm của mối ghép. Thường được chọn vì khả năng thích nghi với đất và điều kiện trồng trọt ở địa phương (ví dụ đất ngập nước). |
Chồi Ghép |
Phần trên của cây chứa gien mong muốn, hoặc các đặc điểm để sản xuất (ví dụ kích thước, hình dạng, mùi vị, khả năng kháng bệnh, v.v…) |
Hệ Thống Mạch |
Tập hợp các mô thực vật cần thiết để vận chuyển nước và dinh dưỡng giữa rễ và lá. |
Ghép Cà Chua Vào Gốc Cà Tím Thích Nghi Với Địa Phương
Bằng cách ghép các chồi cà chua theo nhu cầu thị trường vào các gốc ghép cà tím đã được chọn (Hình 1), một loại cây trồng bản địa ở Châu Á, chúng ta có thể tận dụng khả năng chống ngập úng, bệnh héo lá do vi khuẩn, nấm và tuyến tùng nút rễ của cà tím. Cuối cùng, các cây đã ghép sẽ kết hợp các đặc điểm có lợi từ cả cây chồi và cây gốc. Quy trình này có giá cả phải chăng và yêu cầu kiến thức để làm là tối thiểu, khiến nó trở thành một lựa chọn có lợi cho các trang trại ở bất kỳ quy mô nào.
Lưu ý rằng cà chua (Solanum lycopersicum) và cà tím (Solanum melongena) đều là thành viên của cùng họ cà, Solanaceae, làm cho chúng tương thích với nhau. Cà chua tương thích để ghép với các loài cà chua khác, cũng như các loài khác trong họ này, cung cấp tiềm năng ghép đa dạng.
Việc Ghép Thành Công Cây Cà Chua Bao Gồm 3 Bước Chính:
- Trước khi ghép: Vị trí ghép, dụng cụ và vật tư, và chồi ghép và gốc ghép khỏe mạnh được chuẩn bị và gom lại.
- Ghép chồi ghép và gốc ghép
- Sau khi ghép: các cây ghép đã được để cho lành lại trước khi đem ra trồng ngoài đồng. Toàn bộ quá trình, từ gieo hạt đến khi đem trồng trên đồng thường mất khoảng 5 tuần (Hình 2, Trang 5).
Bài viết này giới thiệu các kỹ thuật ghép cơ bản, lấy từ kinh nghiệm của các hộ nông dân nhỏ lẻ ở Campuchia.
Chuẩn Bị Chồi và Gốc Ghép
Để hình thành một tổ hợp ghép thành công, tầng phát sinh gỗ của gốc ghép và chồi phải thẳng hàng và tiếp xúc với nhau. Do đó, chồi ghép và gốc ghép của cây phải có đường kính thân tương tự nhau tại thời điểm ghép (Hình 4). Tuy nhiên, chồi ghép và gốc ghép có thể không nảy mầm hoặc không có phát triển tốc độ như nhau. Tiến hành thử nghiệm sơ bộ để xác định tốc độ phát triển của cây gốc ghép và chồi ghép trong môi trường trồng của bạn. Dựa trên kết quả, trồng cả chồi ghép và gốc ghép để chúng sẵn sàng cho việc ghép trong 14-21 ngày. Theo kinh nghiệm ghép chồi cà chua vào gốc ghép cà tím của chúng tôi, gieo hạt cà tím 2-4 ngày trước hạt cà chua sẽ thu được đường kính thân tương tự. Hãy gieo nhiều cây hơn mức cần thiết để bạn có nhiều lựa chọn hơn cho tìm đường kính gốc phù hợp. Rất hiếm khi được 100% cây ghép sống sót, vì vậy luôn khuyến cáo ghép thêm các cây bổ sung để dự phòng vài cây ghép bị hỏng.
Quy Trình Ghép
Hai phương pháp phổ biến cho ghép cây cà chua vào gốc cây cà tím là ghép nêm và ghép mối nối. Phương pháp ghép có thể được lựa chọn dựa trên đường kính thân của cây con chồi ghép và gốc ghép. Ghép mối nối yêu cầu đường kính gốc ghép và chồi ghép phải gần y như nhau. Ghép nêm thường cho phép khác biệt lớn hơn một chút về đường kính gốc ghép và cành ghép. Do đó, ghép nêm có thể là lý tưởng đối với những người mới ghép hoặc khi khác biệt lớn về kích thước của gốc ghép và chồi ghép. Ngoài ra, vị trí của vết ghép trên thân cành ghép có thể được điều chỉnh để có được sự phù hợp gần nhất với đường kính nơi cắt gốc ghép. Với việc ghép cà chua của mình ở Campuchia, chúng tôi chỉ sử dụng phương pháp ghép nêm, với kết quả tốt. Hình ảnh ghép nêm của một giống cà chua theo nhu cầu của thị trường vào gốc ghép cà chua kháng bệnh được minh họa trên trang 7.
Hầu hết tất cả cách ghép, kể cả ghép nêm được trình bày ở đây, đều có ba bước cơ bản:
- Chuẩn bị gốc ghép
- Chuẩn bị chồi ghép
- Ghép chồi ghép và gốc ghép lại với nhau.
[Ghi chú biên tập: Tất cả hình ảnh trong trang này được lấy từ Đại Học Mở Bang Ohio.]
Chuẩn Bị Gốc Ghép
- Sau khi hạt cà chua đã nảy mầm và cây con đâm chồi, đảm bảo chọn những cây khỏe mạnh nhất để ghép, mỗi cây có 2-4 lá thật (Hình 3, Trang 7). Sử dụng gốc ghép và cành ghép có đường kính gốc tương tự nhau sẽ giúp các đường dẫn (mạch dẫn) thẳng hàng ở liên kết ghép (Hình 3 và 4).
- Cắt bỏ phần trên của cây con gốc ghép bằng một nhát cắt ngang. Phần ngọn của gốc ghép đã bị cắt bỏ và chỉ còn lại phần thân (Hình 5 và 6).
- Kẹp được sử dụng để cố định các mảnh ghép. Nếu sử dụng kẹp ống nhựa tự tạo, hãy đặt nó lên phần còn lại của thân gốc ghép ngay sau khi cắt và trượt xuống hướng đất (Hình 7).
- Tạo một vết cắt dọc ở chính giữa gốc ghép. Trong hình này, một vết cắt sâu khoảng 4 mm được sử dụng, tương ứng với vết khía trên lưỡi dao cạo (Hình 8).
Chuẩn Bị Chồi Ghép
- Cắt bỏ phần dưới của chồi ghép bằng hai vết cắt. Cắt gốc của chồi ghép bằng vết cắt đầu tiên. Thực hiện vết cắt thứ hai tại điểm mà đường kính chồi ghép gần trùng khớp với đường kính gốc ghép (Hình 9).
- Cắt bớt một vài lá của chồi ghép để giúp hạn chế mất nước. Chỉ để lại một hoặc hai ‘lá mầm’ nhỏ (Hình 10).
-
Cắt tỉa phần dưới của chồi ghép để tạo thành hình nêm cùn, cắt một nhát ở mỗi bên của chồi ghép.
Chú ý giữ sạch các bề mặt cắt và không dùng ngón tay chạm vào chúng (Hình 11).
Ghép Chồi và Gốc Ghép Lại Với Nhau
- Chèn đầu nêm của chồi ghép vào gốc ghép đã cắt đôi (Hình 12).
- Trượt chiếc kẹp nhựa lên khỏi gốc của gốc ghép và đặt chiếc kẹp xung quanh mối ghép. Kẹp ống tự làm được thể hiện trong Hình 13.
- Nếu sử dụng một kẹp ghép thương mại, hãy dùng nó lên mối ghép vào lúc này.
Chăm Sóc Cho Cây Được Ghép
Đặt cây mới ghép (Hình 14, Trang 8) vào buồng chữa lành càng sớm càng tốt sau khi ghép. Buồng chữa lành là một cấu trúc nhỏ có mái che được thiết kế để duy trì độ ẩm cao và giảm cường độ ánh sáng để giảm thiểu sự tích nhiệt trong khi cây ghép lành lại (Hình 15). Mục đích chính của buồng chữa lành là giảm thiểu thất thoát nước từ chồi ghép. Tấm nhựa trong suốt được dùng để giữ hơi ẩm bay lên từ chảo hoặc bể chứa đầy nước đặt trên sàn buồng. Buồng được bọc bằng nhựa đen để giảm độ xuyên sáng. Lưới che nắng phía trên cũng có thể dùng để giảm ánh sáng và cho phép không khí lưu thông tốt. Cường độ ánh sáng có thể được kiểm soát khi cần thiết bằng cách bổ sung hoặc gỡ bỏ lưới che nắng. Đặt buồng dưới bóng râm tự nhiên cũng có thể làm giảm nhu cầu che nắng nhân tạo. Kích thước và kiểu dáng của buồng chữa lành phụ thuộc vào quy mô sản xuất của cây ghép. Một trang trại nhỏ hoặc người làm vườn tại nhà có thể tạo ra một buồng chữa bệnh nhỏ từ một mặt phẳng trồng cây giống, một mái vòm bằng nhựa, một túi nhựa hoặc thậm chí một cốc nhựa duy nhất.
Trong tuần đầu tiên sau khi ghép, chồi ghép không thể nhận nước từ gốc ghép. Do đó, điều quan trọng là phải duy trì các điều kiện môi trường thích hợp để ngăn ngừa mất nước từ chồi ghép và thúc đẩy sự hình thành nhanh chóng của liên kết ghép. Phải mất trung bình 7–10 ngày sau khi ghép để gốc ghép và chồi ghép thiết lập kết nối mạch và lên đến 14 ngày để mối ghép lành hoàn toàn, tùy thuộc vào vị trí và khả năng kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng của bạn (Hình 16).
Trong tuần đầu chữa lành, duy trì độ ẩm tương đối trên 90% và nhiệt độ khoảng 21-27/29°C, đêm/ngày có vẻ là tối ưu. Ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp của mức độ ánh sáng phải được xem xét cẩn thận. Cường độ ánh sáng cao hơn có thể có lợi cho quá trình chữa lành nếu độ ẩm và nhiệt độ có thể duy trì ở mức trên. Tuy nhiên, ở vùng khí hậu nhiệt đới, nhiệt độ và mức độ ánh sáng thường cao và cần phải che nắng để điều hòa nhiệt độ và độ ẩm tương đối.
Từ tuần thứ hai của quá trình chữa lành, độ ẩm có thể được hạ thấp dần dần, trong khi mức độ ánh sáng nên được tăng lên bằng cách định kỳ loại bỏ lớp nhựa đen và/hoặc lưới che nắng. Quá trình này từ từ làm cho cây ghép thích nghi với điều kiện nắng đầy đủ trên đồng ruộng.
Cấy vào Đồng Ruộng
Mặc dù chồi ghép và gốc ghép thiết lập kết nối mạch sau khoảng 7 ngày, nhưng có thể mất đến 14 ngày kể từ ngày ghép để mối ghép lành hoàn toàn (Hình 16).
Sau khi lấy cây ra khỏi buồng chữa lành, để cây thích nghi ở nơi râm mát, bảo vệ khỏi gió từ 5-7 ngày trước khi cấy ra ruộng. Cũng hữu ích để cho chúng tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời vài giờ trước khi cấy. Điều chỉnh lịch trình này nếu cần để không gây căng thẳng cho cây trồng khi đưa chúng vào môi trường đồng ruộng.
Khi cấy, đảm bảo rằng mối ghép vẫn ở trên đường đất (Hình 17). Nếu mối ghép bị chôn dưới đất, chồi ghép sẽ bám rễ vào đất và mọi ưu điểm mà gốc ghép mang lại, chẳng hạn như khả năng chống lại các bệnh truyền qua đất, sẽ bị vô hiệu.
Khi cây ghép đã bén rễ trên ruộng và bắt đầu phát triển, hãy kiểm tra và loại bỏ bất kỳ chồi cây nào phát triển từ gốc ghép. Đồng thời loại bỏ bất kỳ rễ phụ nào phát triển trên chồi ghép. Để tránh lây nhiễm các bệnh truyền qua đất, mô ghép không được tiếp xúc với đất. Phủ nhiều lớp mùn sau khi cấy để giảm bớt đất văng vào cây khi mưa hoặc tưới nước. Cây ghép nên được cắm cọc từ hai đến ba tuần sau khi cấy ghép. Điều rất quan trọng là cây phải được buộc chặt vào cọc. Điều này sẽ giúp dây leo không bị trượt xuống và cành ghép không tiếp xúc với đất.
Kết Luận
Đa dạng hóa trang trại quy mô nhỏ là rất quan trọng để tạo ra các hệ thống lương thực vững chắc, đặc biệt là ở các nước như Campuchia, rất dễ bị ảnh hưởng bởi các điều xấu liên quan đến biến đổi khí hậu. Công nghệ ghép rau có thể là một công cụ hữu ích để cải thiện an ninh lương thực vào một trong những thời điểm khó khăn nhất trong năm. Ngoài ra, sản xuất và bán rau tại nhà vẫn là một việc kinh doanh cho phụ nữ ở Campuchia. Việc phát triển một "bộ công cụ sản xuất rau mùa mưa", bao gồm cả việc ghép cà chua, thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ thông qua việc tăng cường tiếp cận và tham gia thị trường (Hình 18). Sản xuất cà chua ghép cung cấp một cơ hội thâm nhập vào thị trường sản xuất nông sản địa phương hấp dẫn cho phụ nữ sản xuất nhỏ trong mùa mưa, và có tiềm năng cải thiện cả dinh dưỡng và kinh tế. Thu nhập hộ gia đình tăng thêm từ việc tăng cường tham gia thị trường cũng có tiềm năng mang lại lợi ích trực tiếp cho trẻ em bằng cách cải thiện khả năng tiếp cận với giáo dục, chăm sóc sức khỏe và thực phẩm bổ dưỡng.
Các câu hỏi thêm về chủ đề này có thể được đặt trực tuyến trong diễn đàn 'Ghép Cây Cà Chua' trên ECHOcommunity Conversations. Chúng tôi cũng mời bạn chia sẻ kinh nghiệm của mình (thành công hay thất bại) và các lời khuyên vì lợi ích của mọi người trong Mạng lưới ECHO ở Châu Á và hơn nữa.
Tài Liệu Tham Khảo
Bates, R. 2018. Vegetable Grafting Basics – Presentation Slides. Myanmar Seed Saving Workshop. January 16-18, 2018. Pathein, Myanmar. Available: https://www.echocommunity.org/en/resources/15b2a737-5f6e-42ac-b105-8ae9d6476d48
Kleinhenz, M., Soltan, M., Short, S., and Hu, B. Grafting Guide: A Pictoral Guide to the Cleft and Splice Graft Methods for Tomato and Pepper. 3rd Edition. Ohio State University Extension.
Grafting: Galleries, Publications, Recordings, Tools. The Ohio State University, Vegetable Produc- tion Systems Laboratory. Available: http://u.osu.edu/vegprolab/research-areas/grafting-2/
Palada, M., Wu, D. 2013. Grafting Sweet Peppers for Production in the Hot-Wet Season. International Cooperators’ Guide. AVDRC – The World Vegetable Center. Taiwan. Available: https://www.echocommunity.org/en/resources/44ae893c-cb34-4815-bc1c-b19ad7bbf795